Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng đã để lại nhiều ấn tượng trong mắt bạn bè quốc tế. Mỗi một vùng miền của nước ta đều có những đặc trưng văn hóa ẩm thực riêng, tạo nên một bức tranh ẩm thực vô cùng đặc sắc.
Khác với nền ẩm thực của các nước bạn, ẩm thực Việt Nam không chú trọng quá nhiều về hình thức hay cách bày trí, mà đơn giản chỉ là sự hòa trộn, kết hợp với gia vị nêm nếm vừa phải. Cộng với sự sáng tạo, tìm hiểu, nghiên cứu phát triển đi lên từ những món ăn truyền thống mà ẩm thực Việt Nam đã ghi điểm cao trong mắt thực khách trong và ngoài nước.
Đã có rất nhiều những bài báo, những tạp chí nổi tiếng, những chuyên gia đầu bếp nổi tiếng không tiếc lời ca ngợi về món ăn truyền thống Việt Nam, dưới những đôi bàn tay khéo léo, tinh tế và tài tình của người Việt đã đưa nền ẩm thực nước nhà lên tầm cao mới.
Phở
Không chỉ đơn giản là món ăn truyền thống mà đã từ lâu phở đã được coi là “quốc hồn quốc túy” của dân tộc. Khi mà chỉ cần đặt chân đến mảnh đất hình chữ S, điều đầu tiên bạn nghĩ đến sẽ là thưởng thức món ăn này. Không hề khó để tìm cho mình một quán phở, mỗi một vùng miền có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng nổi tiếng nhất vẫn là phở Hà Nội.
Thành phần chính đơn giản chỉ là bánh phở tươi từ bột gạo và nước dùng đậm đà ngon ngọt từ xương (miền nam gọi là nước lèo) cùng với thịt bò tươi ngon hoặc thịt gà / thịt vịt được cắt lát mỏng thêm cùng gia vị: Ớt, chanh, dấm, tiêu, tương… tùy khẩu vị mỗi người dùng.

Bánh cuốn
Một món ăn nữa cũng “xuất thân” từ bột gạo nhưng lại mang một tên gọi khác: Bánh cuốn. Là món ăn truyền thống phổ biến từ Nam ra Bắc mà đi đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp. Bánh cuốn được hấp tráng mỏng cuộn tròn, bên trong có nhân mộc nhĩ, thịt băm, rau, hành ăn kèm với nước chấm được pha chua ngọt vừa phải.
Tùy vào sự sáng tạo của người chế biến mà bánh cuốn dần được “biến thể” khi không chỉ đơn giản là bánh cuốn nhân thịt mà còn có là bánh cuốn trứng với trứng gà thơm ngậy bên trong, hay những chiếc bánh được làm từ những con tôm đỏ au băm nhỏ trộn với thịt băm khéo léo ẩn cuộn mình dưới vỏ bánh trắng ngần kia, hay đặc biệt hơn là những chiếc bánh thanh long đỏ hồng đặc sắc khiến dân tình xuýt xoa về sự khéo léo trong chế biến.

Mì Quảng
Sợi mì được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng. Để cho sợi mì được dai và ngon hơn người làm sẽ cho thêm một số chất phụ gia. Với cách chế biến thoạt nhìn thì tưởng giống như một bát bún nhưng lại là một bát mì trộn với nhiều món ăn kèm: thịt heo, tôm, thịt gà, thịt cá lóc… tùy người ăn lựa chọn. Dưới một ít nước dùng cô đặc hầm từ xương heo cho bát mì thêm ngậy mùi. Rắc thêm một ít lạc giã, hành thơm, rau thơm, hành lá thái nhỏ, ớt… đảm bảo các độc giả sẽ muốn làm thêm một bát nữa mà không cần suy nghĩ.

Bún bò Huế
Là một đặc sản của xứ Huế mộng mơ, mặc dù món này khá phổ biến ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam nhưng để có được bát bún chuẩn Huế thì không phải ai cũng làm được. Nguyên liệu chính là bún sợi to, thịt bắp bò cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng có hương vị cay nồng đượm, vị sả và ruốc. Dù đã có nhiều biến tấu của loại bún này: bún thịt heo, bún cay, chả cua, bún bò đặc biệt nhưng hương vị nước dùng thì không thể thay đổi được.
Cái hồn của bát bún ở đây chính là nằm ở nước dùng (nước lèo), đặc trưng riêng của xứ Huế không bị trộn lẫn với bất cứ vùng miền nào. Nếu như miền Bắc nước dùng vừa phải không cay không ngọt, miền Nam nước dùng ngọt hơn thì miền Trung hơi thiên vị cay. Làm được bát nước dùng chuẩn vị Huế hơi cầu kì một chút, sau khi hầm xương được chín tới thêm nhánh sả cùng hành tím dập dập cùng một chút mắm ruốc. Nêm nếm nồi nước sao cho vừa ăn cùng một ít gia vị thêm: nước mắm, đường, đường phèn và một ít bột ngọt. Bún bò Huế mà ăn kèm với ớt, hoa chuối thái sợi, rau thơm rồi vắt thêm miếng chanh thì ngon “hết sảy” rồi!

Bún chả
Sẽ là thiếu sót lớn nếu không kể đến món ăn này. Được xem là tinh hoa ẩm thực của Hà Thành, mặc dù có nét tương đồng với bún thịt nướng ở miền Nam và miền Trung với miếng thịt được nướng thơm ngon, nóng hổi nhưng khác với điểm nhấn chính là bát nước chấm ngon ngọt đậm ăn kèm cùng nộm và rau thơm, một chút ít ớt, dấm, tiêu làm cho bát nước chấm thêm thơm ngon.
Thịt chả được chia làm 2 loại: Chả viên và chả miếng, tùy vào sở thích mà bạn chọn món. Thịt chả mềm, tẩm ướp gia vị đầy đủ mà khi nướng đã làm bụng bạn sôi lên cồn cào chỉ muốn ăn luôn thôi!

Từ xa xưa người Việt đã biết tận dụng những nguyên liệu có sẵn, luôn gắn liền cuộc sống của con người để từ đó tạo nên một món ăn đặc sắc, thơm ngon. Mỗi một món ăn thể hiện rõ nét về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của mỗi vùng miền. Để từ đó gửi gắm những tình cảm, tâm tư cho những người xa quê, xa xứ luôn thương luôn nhớ về cội nguồn.