Là thói quen xấu không của riêng ai và ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống mà nếu không thay đổi, trì hoãn sẽ là bức tường ngăn bạn đến với thành công.

Thói quen trì hoãn là căn bệnh mà hầu như ai cũng mắc phải, nó diễn ra hằng ngày mà có thể bạn không nhận ra. Nguy hiểm hơn, phần lớn mọi người cho rằng, trì hoãn chỉ là một thói quen đơn giản và không để tâm đến nó. Đây thực sự là một quan điểm sai lầm, bởi khi việc trì hoãn diễn ra thường là biểu hiện của sự thiếu tự chủ, thiếu ý chí, thiếu nghị lực,… Vậy phải làm gì để thay đổi điều đó?
Lập kế hoạch chi tiết làm việc từng ngày
Nếu đặt ra những mục tiêu quá xa trong tương lai, bạn khó tránh được cảm giác mơ hồ, mông lung và uể oải trong quá trình thực hiện. Do vậy, bạn nên chia ra từng mục tiêu nhỏ trong mục tiêu lớn. Tốt nhất, mục tiêu nhỏ càng cụ thể, chi tiết về công việc phải làm, thời gian phải hoàn thành thì càng tốt. Lý tưởng hơn cả, bạn nên lập kế hoạch cho từng ngày.
Mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc buổi sáng thức dậy, bạn cần dành từ 5 đến 10 phút để viết những đầu việc cần thực hiện trong ngày và bắt buộc phải hoàn thành đúng dự định đề ra. Đến cuối ngày khi mọi việc đều được giải quyết đúng tiến độ, bạn sẽ cảm giác thành tựu và hưng phấn, đồng nghĩa có thêm động lực hơn cho chuỗi ngày sau đó.

Chăm sóc góc làm việc
Có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra, không gian làm việc ảnh hưởng rất lớn đến trạng thái của mọi người. Bạn khó có thể tìm thấy cảm hứng làm việc ở một nơi lộn xộn, bừa bộn, đến mức muốn tìm tài liệu hoặc đồ vật nào đó thì phải bới tung mọi thứ lên.
Vì vậy, hãy tạo không gian làm việc thật yên tĩnh, có đủ ánh sáng, sạch sẽ để giúp bạn nâng cao tinh thần làm việc. Ngoài chuyện sắp xếp mọi vật dụng ngăn nắp, khoa học, bạn có thể trang trí thêm cây xanh, lịch để bàn, tấm ảnh yêu thích hoặc bất kể thứ gì khiến bạn thấy thoải mái và dễ chịu.

Tìm một người bạn đồng hành
Bạn không nhất thiết phải lựa chọn đấu tranh lại sự trì hoãn một mình, thay vào đó có thể tìm người bạn đồng hành để cả 2 cùng nhắc nhở nhau mỗi khi muốn từ bỏ, muốn trì hoãn. Chẳng hạn, bạn dễ lên cơn lười và bỏ cuộc nếu phải đơn độc chạy bộ vào mỗi sáng, nhưng nếu có thêm người chia sẻ việc này thì mọi chuyện sẽ thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Người bạn đồng hành có thể là người thân, bạn bè, đồng nghiệp, người yêu, những người mà bạn cảm thấy thân thiết, gần gũi.

Thực hiện những công việc khó khăn trước
Cách hiệu quả nhất để ngừng việc trì hoãn chính là tạo ra động lực làm việc. Giai đoạn khởi đầu, bao giờ cơ thể bạn cũng tràn đầy năng lượng và tâm trí tràn ngập quyết tâm, vì thế khôn ngoan nhất lúc này là chọn những công việc mới mẻ và có chút thử thách. Ngược lại, nếu bắt tay từ đầu việc nhẹ nhàng, quen thuộc, đến cuối cùng khi đã mệt nhoài về mặt thể chất, bạn sẽ rất khó để có thể làm được những công việc khó khăn hơn.

Đối mặt với nỗi sợ hãi
Việc sợ vấp ngã, lo lắng điều này điều kia luôn làm cho bạn nảy sinh cảm giác nhụt chí và muốn trì hoãn mọi việc. Điều này cũng dễ hiểu vì đây là tâm lý chung của con người. Hãy cố gắng gạt bỏ suy nghĩ tiêu cực, sẵn sàng đối mặt và chiến đấu với nỗi sợ hãi của chính mình, lúc này bạn mới có thể quyết đoán, dám làm, dám hành động.

Đừng tạo ra những nhiệm vụ bất khả thi
Dù biết mọi thử thách, mọi mục tiêu đặt ra đều là để chinh phục, vượt qua giới hạn an toàn của bản thân nhưng đừng nên đặt mục tiêu quá viển vông, không cụ thể. Đôi khi những kỳ vọng quá xa vời sẽ khiến bạn dễ nản lòng, dễ bỏ cuộc trước khi thực hiện được nó. Vì thế, hãy đặt ra đích đến thiết thực và phù hợp với chính mình, sau đó từng bước một hoàn thành rối mới với tới điều cao hơn. Điều này sẽ giúp dần loại bỏ được thói quen trì hoãn ra khỏi bộ não của bạn.

Thói quen trì hoãn không bỏ qua bất kì một ai. Vì thế, hãy tự nhìn nhận và đánh giá bản thân để nhận ra những suy nghĩ tiêu cực, trì trệ đang tồn tại trong đầu. Từ đó tìm ra nguyên nhân rồi không ngừng rèn luyện, không ngừng làm việc từng ngày để tạo dựng cho mình thêm những thói quen tốt.