Mỗi loại rau rủ có tính chất và đặc thù riêng biệt, vậy nên cách bảo quản chúng cũng khác nhau mới có thể giữ được sự tươi ngon trong thời gian nhất định.
Cuộc sống hiện đại ngày càng trở nên bận rộn, không phải ai cũng có thời gian mỗi ngày để đi chợ. Bởi thế, xu hướng mua đồ ăn cho cả tuần và dự trữ trong tủ lạnh ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra rằng: Làm sao để bào quản ra rủ cả tuần mà vẫn đảm bảo độ ngon, tươi mới như khi mua về? Nếu vẫn đang tìm câu trả lời thì bạn đừng bỏ lỡ bài viết này nhé, sẽ có rất nhiều thông tin bổ ích.

Phân chia các loại rau củ hợp lý
Việc đầu tiên bạn cần làm khi đi chợ về là phân chia chúng để có thể bảo quản một cách tối ưu nhất. Mỗi loại rau củ sẽ có những đặc tính khác nhau. Rau lá thường nhanh hỏng hơn các loại củ quả, đặc biệt khi dính nước sẽ đẩy nhanh tốc độ hỏng của lá, thân. Vì vậy, tốt nhất bạn nên loại bỏ lá úa vàng, rễ, chia theo khẩu phần ăn hàng ngày và không nên rửa trước.
Nhiều chị em nội trợ khi đi mua rau củ về thường cất nguyên túi vào tủ lạnh, đến khi dùng món nào lại bỏ cả chiếc túi đó ra. Đây là một sai lầm tai hại trong công tác bảo quản. Lưu ý quan trọng khi tách các loại rau củ ra để bảo quản đó là dùng túi kín để bọc thực phẩm lại. Tuy nhiên ngày càng nhiều rác thải nilon bị thải ra môi trường mỗi ngày, vì thế tốt nhất bạn nên sử dụng loại túi sinh học tự hủy hoặc các hộp kín.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến các mẹo nhà bếp, chẳng hạn cách để đu đủ nhanh chín hơn. Bạn để chung táo cùng đu đủ vào một chiếc hộp hay túi kín, khí gas ethylene từ táo sẽ thúc đẩy quá trình chín của quả khác. Khi bạn lưu trữ táo cùng rau thì điều tương tự cũng sẽ diễn ra. Tuy nhiên, đây là hai trường hợp hoàn toàn khác biệt. Quả chín thì ngon hơn nhưng rau mà ngả vàng thì phải bỏ đi. Khí gas ethylene khiến các loại rau nhanh héo và bị hỏng.

Giữ lại cuống của các loại rau củ
Để việc nấu ăn mỗi ngày diễn ra nhanh chóng, gọn lẹ hơn thì các bà mẹ thường nhặt sẵn số rau mình đã mua. Việc này tưởng tạo sự tiện dụng nhưng thực tế lại không hề như vậy. Khi nhặt rau, phần cuống bị bỏ đi khiến các loại rau củ nhanh chóng héo hơn và khi nấu ăn bạn vẫn phải mất thời gian để loại bỏ đống lá úa.

Căn chỉnh nhiệt độ thích hợp
Tuy mỗi loại rau củ yêu cầu cách bảo quản khác nhau, nhưng chúng cũng có mức nhiệt độ trung bình nhất định. Mức nhiệt thông thường dao động từ 1 đến 4 độ là tối ưu cho các loại rau củ, bởi đây là phạm vi nhiệt giúp hạn chế vi khuẩn sinh sôi. Đồng thời, độ cũng không quá thấp để khiến các loại thực phẩm khác bị đóng đông. Mỗi tủ lạnh đều có nút căn chỉnh nhiệt độ.
Một số các loại rau củ đặc biệt
Bên cạnh những thực vật có thể lưu trữ bình thường thì có những loại rau củ phải bảo quản theo cách riêng biệt.
- Nấm – Trường hợp đặc biệt
Nấm tươi là thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, đồng thời chứa rất nhiều nước bên trong. Túi nilon sinh học khá kín, hơi nước thoát ra từ nấm sẽ đọng lại quanh màng túi, khiến nấm mất đi độ giòn ngon ban đầu. Thay vào đó, bạn nên sử dụng túi giấy, vừa tách biệt nấm cùng các loại thực phẩm khác trong tủ lạnh, vừa giúp nấm có thể “thở” qua túi. Lúc này hơi nước thoát ra bên ngoài, túi giấy luôn khô ráo tạo ra môi trường bảo quản thuận lợi cho nấm.

- Rau diếp (hay gọi là Rau xà lách)
Những loại rau lá như rau cải, rau muống cần đảm bảo khô ráo khi bảo quản trong tủ lạnh. Độ ẩm cao sẽ khiến chúng nhanh chóng bị hỏng, trái lại, xà lách cần hơi nước để duy trì sự tươi mới.
Bên cạnh các loại rau trên, củ và thực phẩm khô nên được bảo quản bên ngoài, như khoai tây, tỏi, gừng, hành tây,… Chúng có thể lưu trữ trong môi trường thường hàng tháng trời. Để tiết kiệm thời gian và cả tài chính, bạn nên nắm rõ đặc tính và cách bảo quản của từng loại thực phẩm. Thời gian đầu chưa quen có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng khi đã việc này trở thành lối sống bạn sẽ rất nhàn hạ, đồng thời tránh việc lãng phí rau củ vì bị hỏng sau vài ngày mua về.