Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang rất háo hức trước thông tin bộ phim Ròm sắp ra mắt khán giả tại quê nhà sau nhiều trắc trở.

Bộ phim Ròm được cấp phép chiếu tại Việt Nam không chỉ là tin vui đối với cá nhân đạo diễn Trần Thanh Huy và ê-kíp mà còn đối với khán giả yêu thích điện ảnh nước nhà. Trong thời gian chờ đợi Ròm ra mắt, hãy cùng nhìn lại hành trình kỳ diệu của bộ phim trước khi đến với người hâm mộ Việt Nam.
Nội dung chính của bộ phim Ròm
Ròm khai thác những góc khuất cuộc sống giữa Sài thành hoa lệ. Nhân vật chính là cậu bé Ròm, ngày ngày cố gắng kiếm tiền để đi tìm cha mẹ mình – những người đã bỏ rơi cậu từ khi lọt lòng. Ròm là đại diện cho những đứa trẻ đường phố, chuyên đi bán vé số cho người dân khu ổ chuột. Suốt 365 ngày, họ phải tất bật mưu sinh nhưng vẫn không quên nuôi những con số hay nói chính xác hơn là nuôi giấc mộng đổi đời.

Những cậu bé như Ròm chính là người mang đến cho dân lao động nghèo tấm vé may mắn. Bọn trẻ hiểu rõ bản chất bấp bênh của công việc. Khi thắng thì chúng sẽ được khen ngợi, còn khi họ thua chúng có thể bị đánh đập.
Thế giới sống của Ròm đầy sự tàn nhẫn và khốc liệt. Ở đó có những căn nhà xập xệ, những con kênh đen ngòm nồng mùi rác, những bãi phế liệu ngổn ngang và con người sẵn sàng cược mọi thứ vào những con số chờ đợi ngày phú quý giàu sang.
Ròm mất 8 năm để đến với người hâm mộ Việt
• Năm 2012
Đây là năm đánh dấu sự ra đời của phim ngắn “16:30”. Cái tên Trần Thanh Huy đã nhanh chóng gây được sự chú ý bằng “cơn mưa” giải thưởng như: Giải Cánh Diều Vàng cho hạng mục Phim ngắn, 4 giải tại Yxine Film Fest vào năm 2012. Đặc biệt, phim còn vinh dự được trình chiếu trong hạng mục Góc phim ngắn của Liên hoan phim Cannes năm 2013.
Kể từ sau dự án phim ngắn “16:30”, có nhiều cánh cửa lớn mở ra cho đạo diễn trẻ nhưng anh đã từ chối tất cả để dồn hết tâm sức cho Ròm.

• Năm 2014
Vào chính thời điểm diễn ra World Cup 2014, đạo diễn đang hoàn thiện kịch bản cho Ròm tại một quán cà phê. Người ta kéo đến để xem đá bóng, hò hét rất ồn ào nhưng anh vẫn ngồi viết trong thinh lặng. Tâm trí của anh khi đó và cả 8 năm sau chỉ có Ròm mà thôi. Đạo diễn cũng khẳng định: Ròm chính là cả tuổi trẻ của anh.

• Năm 2015
Năm 2015, Ròm là 1 trong 30 dự án được mời tới Asian Project Market tại Liên hoan phim quốc tế Busan – đại hội điện ảnh danh tiếng, hoành tráng nhất trong khu vực châu Á, tổ chức thường niên ở Hàn Quốc.

• Năm 2017
Đạo diễn Trần Thanh Huy từng chia sẻ: Ròm ra đời trước “16:30” nhưng do điều kiện trước đó chưa cho phép nên anh chọn làm phim ngắn trước và đây cũng là một phép thử cần thiết. Sau 3 mùa chờ đợi, Ròm cuối cùng cũng đã được trình chiếu trong khuôn khổ sự kiện điện ảnh thường niên mang tên “Gặp gỡ mùa thu” mùa 5 diễn ra tại Đà Nẵng.

• Năm 2018
Đạo diễn Trần Thanh Huy có mặt trong danh sách “Forbes 30 under 30”. Anh nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên từ bạn bè. Tuy nhiên, ít ai biết Ròm đã phải trải qua 3 trình dựng phim khác nhau từ DaVinci cho đến Final Cut X và Premiere Pro. Công đoạn liên kết hình ảnh, âm thanh của 89 ngày quay là sự nỗ lực không mệt mỏi của cả một tập thể chứ không riêng gì đạo diễn.

• Năm 2019
Vào ngày 04/09/2019, Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê – HKFilm đã gửi đơn đề nghị cấp giấy phép phổ biến phim và bản phim trình duyệt đến Cục điện ảnh. Đến ngày 21/09/2019, căn cứ theo luật hiện hành thì việc bộ phim Ròm chưa có giấy phép phổ biến phim đã tự đăng ký và gửi phim tham dự Liên hoan phim quốc tế Busan (BIFF) là vi phạm pháp luật.
HKFilm đã cam kết không gửi bộ phim Ròm tới dự BIFF 2019, đồng thời xin phép được chỉnh sửa lại để được cấp phép. Thế nhưng, cuối cùng Ròm vẫn được hội đồng Liên hoan phim Busan giữ lại và giành giải thưởng danh giá nhất.

Ngày 14/10/2019, thanh tra Bộ văn hóa đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với HKFilm vì lý do nhà sản xuất tự ý phát hành phim khi chưa được cấp phép phổ biến.
Theo đó, nhà sản xuất phải nộp phạt 40 triệu đồng cùng với đó là phải hủy toàn bộ bản phim gửi tham gia Liên hoan phim trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cách xử lý như vậy là quá cứng nhắc khi Cục điện ảnh đã can thiệp quá sâu vào nội dung của nhiều bộ phim trong nước.
• Năm 2020
Đạo diễn Trần Thanh Huy đã chia sẻ trên trang cá nhân rằng anh đã gửi bản chỉnh sửa nhưng suốt 2 tháng vẫn chưa được hồi âm. Trong thời gian đó, đạo diễn và đoàn làm phim của Ròm đã bỏ lỡ nhiều liên hoan phim cũng như cơ hội hợp tác với các nhà phát hành phim quốc tế.
Không chỉ riêng đoàn làm phim và ngay cả công chúng trong nước cũng phải nín thở chờ đợi. Cuối cùng vào ngày 31/03/2020, Ròm chính thức được cấp phép phát hành ở Việt Nam dưới dạng “phim gắn mác 18+” sau khi đã điều chỉnh nội dung theo yêu cầu. Ngày 02/06/2020, ê-kíp chính thức thông báo lịch phát hành.

Đạo diễn Trần Thanh Huy khẳng định: Phim Ròm có qua chỉnh sửa để phù hợp với tiêu chí kiểm duyệt nhưng không hề bị cắt xén đến mức 50% như tin đồn. Thông điệp của bộ phim vẫn sẽ được truyền tải một cách đầy đủ và chân thực nhất tới khán giả.
Nhìn lại cả một chặng đường mà Ròm đã đi qua, không ít khán giả cảm thấy khâm phục trước nghị lực, đam mê dành cho điện ảnh của đạo diễn. Anh khát khao mang tới một sản phẩm có giá trị cao về mặt nghệ thuật lẫn nội dung tiếp cận khán giả yêu mến điện ảnh nước nhà.