Cồn là một trong những thành phần khá phổ biến trong giới làm đẹp. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều cố tránh xa chúng với quan niệm “cồn có khả năng gây khô da và kích ứng”. Sự thật liệu có phải như vậy?
Chắc hẳn, chị em yêu thích làm đẹp thường lo ngại về khả năng làm khô da của cồn. Tuy nhiên việc tìm kiếm một sản phẩm không chứa bất kỳ thành phần cồn nào quả thực là không hề đơn giản. Vậy “thỏa thuận” giữa cồn và làn da ở đây là gì? Nếu thành phần này có hại cho làn da thì tại sao vẫn xuất hiện trong vô vàn sản phẩm dưỡng da? Để làm rõ vấn đề này, bạn hãy đọc bài phía dưới nhé.
Cồn giúp sản phẩm được hấp thụ dễ hơn
Có một thực tế là nhiều loại mỹ phẩm sử dụng cồn làm dung môi hoặc chất nhũ hóa. Với trọng lượng phân tử thấp (cồn isopropyl hay ethanol), các bạn sẽ thấy trong bảng thành phần thường ghi là SD Alcohol hay Denatured Alcohol / Alcohol-denat, có chức năng như dung môi. Những loại cồn này sẽ kích thích các thành phần khó hòa tan trong nước hấp thụ dễ dàng hơn. Chúng thường tồn tại dưới dạng lỏng và bay hơi khá nhanh.
Đó là lý do tại sao các loại cồn có trọng lượng phân tử thấp rất hữu ích cho nhà sản xuất sản phẩm làm đẹp nhằm đạt được kết cấu như mong muốn. Thành phần này thường tạo cảm giác nhẹ dịu hơn trên da và khô nhanh chóng. Thêm nữa, các thành phần hoạt tính như Vitamin C hay Retinol còn có tăng khả năng hấp thụ khi có sự trợ giúp của cồn. Serum hay toner chứa cồn có xu hướng thẩm thấu nhanh trên da, mà không để lại cảm giác nhờn. Tin chắc những bạn có làn da dầu sẽ vô cùng ưng ý đặc tính này.

Một số loại cồn còn có khả năng dưỡng ẩm
Các loại cồn được gắn mác “fatty” hoặc có trọng lượng phân tử cao như Cetyl, Stearyl hay Cetearyl có khả năng giữ nhũ tương dầu và nước không bị phân tách. Những thành phần này cũng giúp làm cho bề mặt da trở nên mượt mà và mềm mại hơn. Thường những loại cồn này có nguồn gốc từ axit béo trong dầu thực vật, do đó chúng được gọi tên chung là “Fatty Acohols”. Kết cấu của thành phần thường dày như sáp hoặc cũng có thể biến đổi thành thể rắn ở ngoài nhiệt độ phòng.
Fatty Alcohols có đặc tính ngược lại với cồn có trọng lượng phân tử thấp được đề cập ở trên khi bàn về cảm giác của thành phần này trên da bạn. Fatty Alcohols làm cho sản phẩm có kết cấu dày và nặng hơn. Vì vậy, chúng thường được thêm vào các sản phẩm dưỡng ẩm khi có khả năng bảo vệ da, giữ độ ẩm và tăng cường hàng rào lipid tự nhiên. Vì vậy, nếu bạn thấy thành phần này trên sản phẩm dưỡng da của mình thì cũng đừng quá ngạc nhiên hay lo lắng nhé.

Điểm hại của việc sử dụng thành phần cồn quá đà
Điều này hoàn toàn không mới và luôn đúng với mọi hoàn cảnh. Các loại cồn tồn tại dưới dạng dung môi rất tốt với khả năng hòa tan trong nước cũng như bay hơi nhanh chóng. Thế nhưng, thành phần này lại lấy đi một phần nước trên da của bạn, có thể làm bề mặt da khô hơn. Ngay cả khả năng loại bỏ dầu thừa trên vùng mũi cũng dễ gây ra vấn đề khi cồn có khả năng phá vỡ lipid trong hàng rào bảo vệ da. Lúc này, khi lớp sừng bị tổn thương, da của bạn sẽ trở nên nhạy cảm và dễ kích ứng hơn bao giờ hết. Với nồng độ cao cùng tần suất sử dụng liên tục, thành phần này sẽ gây khô da và khó chịu.

Fatty Alcohols thì khả năng gây khô và kích ứng thấp hơn, nhưng vẫn tồn tại rủi ro. Fatty Alcohols hầu hết có nguồn gốc thực vật, như cây cọ hay cây dừa, đồng nghĩa với việc chúng có khả năng gây bít tắc lỗ chân lông vì đặc tính dưỡng ẩm cao, kết cấu sản phẩm dày. Vì vậy, nếu da bạn thuộc dạng da khô, da nhạy cảm hoặc da dễ lên mụn, hãy kiểm tra xem bản thân có dùng nhiều loai cồn cùng một lúc không nhé. Môt số loại cồn bạn cần lưu ý trong trường hợp này là cồn Isopropyl, Isopropanol hoặc cồn biến tính.
Còn nếu bạn vường phải những lỗ chân lông cứng đầu, hãy thử kiểm tra mấy thành phần thuộc dòng họ Fatty Alcohols mới được đề cập ở trên nhé. Nếu thực sự cồn là thủ phạm gây nên những vấn đề về da, đầu tiên hãy ngưng sử dụng ngay các sản phẩm này. Khi tình trạng tiếp tục tiếp diễn kéo dài thêm 3-4 ngày thì hãy nhanh chân đến gặp bác sĩ da liễu chữa trị trước khi làn da trở nên tệ hơn.
Cách để tìm ra một loại cồn phù hợp với làn da?
Điểm mấu chốt ở đây là các loại cồn khác nhau sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết cấu của sản phẩm, vì thế hãy xác định loại da của bản thân rồi tìm thành phần cồn phù hợp.
- Đối với da dầu: Nếu bạn có làn da dầu nhờn, bạn có thể muốn một sản phẩm có chứa cồn phân tử thấp vì sản phẩm sẽ giúp bạn loại bỏ dầu (ví dụ: Ethyl Alcohol).
- Đối với da khô: Những bạn có làn da khô nên tìm kiếm các sản phẩm chứa cồn có trọng lượng phân tử cao hơn mang lại cảm giác dưỡng ẩm tốt hơn (ví dụ: Cetyl và Stearyl).
- Đối với da nhạy cảm: Những bạn có làn da nhạy cảm, đặc biệt là những người bị bệnh chàm nên thận trọng khi nói đến tất cả các loại cồn. Đôi khi ngay cả những loại cồn có trọng lượng phân tử cao cũng gây khó chịu trên da của bạn. Vì thế hãy cẩn trọng, tốt nhất nên thử bôi trước ở phần da nhỏ dưới hàm, nếu không bị dị ứng hãy áp dụng cho mặt.

Nếu đúng nồng độ thì hầu hết các loại cồn đều không gây hại. Thậm chí, nhiều làn da dầu còn “cưng” thành phần này bởi đặc tính hút dầu siêu việt nữa cơ. Cần nhớ, để đánh giá một sản phẩm là nhìn tổng thể thành phần nguyên liệu được sử dụng và đừng ngại thử đồ có cồn. Biết đâu bạn sẽ tìm ra loại dưỡng phù hợp với làn da của bản thân, giúp chúng đẹp và khỏe mạnh hơn.